Tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn, Bút ký, Phóng sự về ngành giáo dục

Dự lễ có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị liên quan.


Dự lễ có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các đơn vị liên quan.


            Sau gần 2 năm tổ chức, tính đến ngày hết hạn nhận bài thi (30/8/2010), đã có trên 2.200 tác phẩm của 2.135 tác giả ở 64 tỉnh thành trong cả nước đăng ký dự thi. Đặc biệt, có một tác giả là người Việt Nam hiện đang học tại Trường đại học Ngôn ngữ văn hoá Bắc Kinh, Trung Quốc. Có nhiều tác giả là người dân tộc tham gia cuộc thi, trong đó có tác giả người dân tộc Tày đã đạt giải của cuộc thi.

 


            Ban tổ chức đã trao 11 giải khuyến khích, 8 giải ba, 4 giải nhì và 1 giải nhất cho các tác phẩm thuộc hai thể loại Ký, Phóng sự và Truyện ngắn (Thể loại Truyện ngắn không có giải nhất). Tác phẩm Hành trình kéo người La Chí ra khỏi rừng rậm của tác giả Phạm Ngọc Dương (Báo điện tử VTCnet) được trao giải nhất thể loại Ký, Phóng sự.

 Theo đánh giá của Ban Giám khảo, đây là cuộc thi lớn, đạt được mục đích và yêu cầu đề ra, rất có ý nghĩa về ngành giáo dục. Một trong những nội dung nổi bật của các tác phẩm dự thi là đã khắc họa được hình tượng các thầy giáo, cô giáo đã dành trọn tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp trồng người...; kiên trì đến từng bản, từng nhà thuyết phục phụ huynh cho con em đi học; cùng nhân dân xây dựng trường học, chia sẻ miếng cơm, tấm áo với học sinh; gánh chịu thiệt thòi thiếu thốn mọi bề, trải qua bao trận ốm đau bệnh tật thập tử nhất sinh... trong những tác phẩm như "Treo chữ" trên núi Chiêu Lầu Thi, Cặp vợ chồng cõng chữ về buôn, Một ngày ở trường chờ, Con chữ làng chài, Trên đỉnh Dền Thàng, Hành trình kéo người La Chí ra khỏi rừng rậm...


           Các tác phẩm dự thi cũng xây dựng những hình tượng nhà giáo đồng thời là những nhà nghiên cứu ở nhiều ngành khoa học khác nhau, đã hoàn thành những công trình khoa học giá trị, đồng thời dìu dắt bao thế hệ học sinh, sinh viên, đào tạo các nhà khoa học cho đất nước. Đó chính là nội dung của những tác phẩm: Sư phạm là sáng tạo, Tầm vóc của bài toán các mặt cực tiểu...


           Tác phẩm dự thi còn có những trang văn tri ân những thầy giáo, cô giáo đã và đang từng ngày lặng lẽ đưa đò nơi xóm thôn, làng bản như bút kí Cô giáo Thạch của tôi; ca ngợi tấm lòng bao dung của những người thầy không đứng trên bục giảng, nhưng lại biến những đứa trẻ bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ trở thành những học sinh ngoan, học giỏi và tương lai là những công dân tốt, có ích cho xã hội. Đó là những nhà sư trong các tác phẩm như Học trò họ Lê Minh, Ghi ở một ngôi chùa nhỏ...


           Qua các trang viết, nhiều tác giả đã chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở về công tác giáo dục. Làm sao để thành tựu giáo dục của mỗi địa phương có thể phục vụ trực tiếp cho công cuộc xây dựng đời sống xã hội tại địa phương đó. Vì sao có những địa phương nổi danh với những phong trào, thành tựu giáo dục lớn, nhiều thế hệ học sinh thành đạt mà cuộc sống nơi đó vẫn còn nghèo đói? Đó chính là vấn đề được đặt ra từ bút kí Chìa chưa mở được khoá viết về vùng quê Cẩm Bình - Hà Tĩnh.


            Biểu dương, cổ vũ những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cũng là một nội dung nổi bật trong các tác phẩm dự thi. Những tác phẩm như Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng - nơi ươm mầm xanh, Hướng của một ngôi trường, Ngôi trường nơi có mùa hoa cà phê nở, Ngăn trái tim dành cho Trường Thực nghiệm, Sức vươn mới của Trường Tiểu học Nam Hồng... tiếp thêm niềm tin cho người đọc vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà.


           Đến với các nhân vật nhà giáo, người đọc không chỉ cảm nhận được những băn khoăn, trăn trở về công việc trồng người (truyện Những người thầy, Phía trước những con đường) mà còn được sẻ chia với các nhân vật bao cảm xúc, suy ngẫm về tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu (Trong sương có tiếng kèn lá, Điệu kèn lá Huổi Sến), nỗi lo toan, buồn vui cùng các nhân vật trong cuộc sống đời thường...


           Tóm lại, các tác phẩm dự thi đã bám sát những vấn đề của giáo dục hiện nay như chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", Nói "không" với tiêu cực, đồng thời biểu dương những thành tích đã đạt được và nêu những mặt còn hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đặc biệt những bài ký, phóng sự về ngành giáo dục đã đạt chất lượng cao, nêu bật được những điển hình tiên tiến ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.


            Kết quả vòng sơ khảo đã chọn ra được 43 tác phẩm tiêu biểu và được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên tập, xuất bản và phát hành Tập một: Tuyển tập Truyện - kí Giáo dục Việt Nam. Sau Lễ Tổng kết cuộc thi, các tác phẩm được giải và một số tác phẩm có đạt điểm cao sẽ được xuất bản thành hai tập sách Truyện ngắn và Bút ký-Phóng sự.


             Cuộc thi là một trong những hoạt động thiết thực của ngành Giáo dục hưởng ứng việc tổng kết bốn năm thực hiện "Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", là sự kiện tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1 của Đài truyền hình kĩ thuật số VTC.


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu