Sách giáo khoa Toán lớp 1 mới dạy cả về tôn giáo, sắc tộc, bình đẳng

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục được xây dựng dựa trên triết lí bình đẳng, dân chủ, học sinh được tự do sáng tạo...


Theo Luật Giáo dục mới vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019, chính thức chốt việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

 

Đến nay, đã có 5 bộ sách được Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT thông qua. Theo lộ trình, đến cuối tháng 3/2020, tức còn khoảng hơn 3 tháng nữa, các cơ sở giáo dục sẽ phải báo cáo phương án lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, đến nay nội dung cụ thể của các sách vẫn chưa được công bố rộng rãi, là ẩn số với giáo viên và phụ huynh học sinh.

 

Chia sẻ thông tin về một trong những cuốn SGK trong chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị được đưa vào giảng dạy từ năm học 2020-2021, PGS.TS Trần Diên Hiển, Tổng Chủ biên SGK Toán 1 Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết, Bộ sách vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục được xây dựng dựa trên triết lí bình đẳng trong việc tạo ra những cơ hội tiếp cận tri thức như nhau, phù hợp với năng lực nhận thức khác nhau, cơ hội phát triển năng lực như nhau.

 

Bộ sách giáo khoa Vì sự bình đẳng và dân chủ trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

 

Tính dân chủ trong việc tạo dựng môi trường giáo dục mà ở đó học sinh và giáo viên được tự chủ trong học tập, tự do trong sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề.

 

Bộ sách vì sự bình đẳng và dân chủ gồm các cuốn Tiếng Việt 1, Toán 1, Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm.

 

PGS.TS Trần Diên Hiển, Tổng Chủ biên SGK Toán 1 Bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cho biết cuốn sách này có nội dung vừa sức và phù hợp với học sinh mọi vùng miền.

 

Riêng về cuốn SGK Toán 1, PGS.TS Trần Diên Hiển cho biết: "Bộ sách chú trọng đến việc tăng cường sự trải nghiệm của học sinh, giúp học sinh tự chủ, tự lực khám phá, chiếm lĩnh kiến thức. Cấu trúc sách và các chủ đề học tập mang tính mở để giáo viên có cơ hội sáng tạo và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, đồng thời tạo cơ hội cho giáo viên tích hợp các nội dung về giáo dục địa phương".

 

Cũng theo PGS.TS Trần Diên Hiển, trong môn Toán sẽ có sự tích hợp liên môn với kiến thức các môn Tiếng Việt, khoa học, giáo dục môi trường, giáo dục an toàn giao thông, các vấn đề về bình đẳng giới, sắc tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó các hình ảnh về robot, máy cộng trừ số học, máy tính trong sách giáo khoa giúp giáo viên và học sinh bước đầu tiếp cận với giáo dục STEM và công nghệ 4.0.

 

PGS.TS Hiển lấy ví dụ, để giáo dục về bình đẳng giới, không phân biệt vùng miền, giáo dục về môi trường, sách đưa ra các hình ảnh về múa cồng chiêng Tây Nguyên (đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số), học sinh dân tộc Tày, dân tộc Thái đi học (đại diện cho vùng núi phía bắc), cô giáo hướng dẫn các em trồng cây (giáo dục về bảo vệ môi trường)...

 

Đặc biệt, cuối mỗi bài học trong SGK đều sẽ có mục tiêu rõ ràng thể hiện trong phần "Em học xong bài này". Các mục tiêu bài học bám sát theo khung chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018 đảm bảo tính vừa sức nhưng vẫn phân loại được học sinh.

 

 "Phần này cho thấy chuẩn đầu ra sau mỗi tiết học, giáo viên nhìn vào sẽ có thể đánh giá được học sinh, học sinh cũng có thể tự đánh giá, biết mình học được những gì và phụ huynh biết cần hỗ trợ, giúp con những gì", PGS.TS  Trần Diên Hiển cho biết.

 

Cũng theo Tổng chủ biên SGK Toán 1, cuốn sách này chú trọng đến việc tăng cường sự trải nghiệm của học sinh trong các chủ đề giúp học sinh tự chủ, tự lực khám phá và chiếm lĩnh kiến thức. Cấu trúc sách và các chủ đề học tập mang tính mở để giáo viên có cơ hội sáng tạo và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, đồng thời tạo cơ hội giúp giáo viên tích hợp nội dung giáo dục địa phương.

 

Đồng bộ với SGK là sách giáo viên, vở thực hành, sách bổ trợ, đồ dùng học tập và website cung cấp các nguồn dữ liệu tài nguyên nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh, phụ huynh sử dụng tư liệu, hình ảnh, phiếu học tập, video clip...

 

Sách Tiếng Việt được dễ hóa

 

GS.TS Lê Phương Nga, Chủ biên cuốn Tiếng Việt 1 (Bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) cũng cho biết, sách được biên soạn với phương châm dễ hóa, thú vị hóa, đảm bảo sự thành công của học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường. Sách viết theo nguyên tắc tích hợp, tích cực và phân hóa. Sách biên soạn giai đoạn làm quen cho học sinh ghi nhớ đúng hình dạng chữ cái bằng cách liên hệ với kinh nghiệm bản thân, khám phá các đồ vật xung quanh cơ thể.

 

Bên cạnh đó, sách cũng xây dựng trật tự dạy vần theo nguyên tắc đưa từ nghi vấn vào sớm, tạo cơ hội cho học sinh nhanh chóng tự đọc được câu hỏi, bài tập, phát huy khả năng tự học. Đặc biệt, sách sẽ đưa hết các vấn đề có âm chính a và âm cuối trong tuần học và Vần đầu tiên để học sinh sớm đọc được các từ nghi vấn (ai, sao, cái gì, làm gì, tại sao, thế nào, bao giờ) là những công cụ để điều hành dạy học bằng câu hỏi.

 

Các nội dung trong sách liên quan đến các dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội thể hiện cái nhìn tích cực, lạc quan, bình đẳng và tôn trọng./.

 

Theo vov.vn


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu