Huy động giáo sư cả nước viết sách giáo khoa

Trong những ngày qua, dư luận đang quan tâm tới thông tin dự kiến sẽ có 2 bộ sách giáo khoa cho từng miền Nam Bắc. Mặc dù điều này đã được những người có trách nhiệm bác bỏ, nhưng chủ trương lớn hơn về việc biên soạn sách giáo khoa vẫn cần tiếp tục được làm rõ.


Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet mời ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và đào tạo, Phó Trưởng ban "Xây dựng chương trình giáo dục và sách giáo khoa sau năm 2015" để trao đổi thêm về vấn đề này.


 

Nhà báo Kiều Oanh:Thưa ông, việc tổ chức "một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa" đang triển khai ra sao?

 

Ông Đỗ Ngọc Thống: Chúng ta biết, một trong những điểm mới của việc đổi mới lần này là thực hiện chủ trương "Một chương trình- nhiều bộ sách giáo khoa". Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ghi rất rõ, trên cơ sở chương trình quốc gia, các tổ chức cá nhân được động viên tham gia xây dựng biên soạn sách giáo khoa. Để làm được việc đó, trước hết, phải có chương trình chung, quốc gia thống nhất. Có chương trình rồi mới bắt đầu tổ chức biên soạn sách giao khoa.

 

Về nguyên tắc, sẽ động viên tất cả mọi lực lượng cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia việc biên soạn đó. Nhưng để kịp đúng tiến độ, đúng thời hạn, dứt khoát năm học 2018-2019 có một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh thì để chủ động, Quốc hội, Chính phủ cho phép Bộ Giáo dục đứng ra tổ chức bộ sách thực hiện như vậy.

 

Nhà báo Kiều Oanh:Bộ GD-ĐT có tham gia trực tiếp việc biên soạn SGK hay không?

 

Ông Đỗ Ngọc Thống: Hiểu việc Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức, có nghĩa là anh chỉ tham gia ở vai trò tổ chức. Bản thân các cán bộ của Bộ không làm việc đó.

 

Bộ đứng ra huy động lực lượng, các cán bộ giảng dạy, các giáo sư của cả nước, trước hết là trong ngành giáo dục để tập trung xây dựng bộ sách ấy. Bản thân các cán bộ chuyên viên của Bộ không tham gia, chỉ là người tổ chức.

 

Nhà báo Kiều Oanh: Bên cạnh nhóm biên soạn của Bộ, còn một số nhóm tác giả đồng biên soạn sách giáo khoa. Làm thế nào để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm biên soạn sách này với các nhóm do Bộ GD-ĐT hoặc do Nhà xuất bản giáo dục tổ chức?

 

Ông Đỗ Ngọc Thống: Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ đầu khi có chủ trương này. Một vấn đề phải nghĩ tới là bảo đảm công bằng. Chủ yếu có 2 điểm cần chú ý, một là Bộ ban hành bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, bộ sách nào phải theo tiêu chí đó, hai là phải có hội đồng thẩm định quốc gia độc lập với người viết sách. Cho nên tất cả các bộ sách kể cả của Bộ Giáo dục- Đào tạo hay của cơ quan nào, phải đảm bảo tuân thủ tiêu chí, thứ hai được Hội đồng quốc gia thẩm định đánh giá. Sau khi có kết luận sách được, phê chuẩn thì sẽ được xuất bản, sử dụng

 

Nhà báo Kiều Oanh: Hiện nay, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa này đã ra đời chưa thưa ông và ai sẽ là người đứng đầu Hội thẩm định đó?

 

Ông Đỗ Ngọc Thống: Hội đồng đang trên đường hoàn chỉnh. Chúng tôi đang xin ý kiến các cơ quan, tổ chức giới thiệu các cá nhân tham gia Hội đồng. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ dựa trên tiêu chí và cơ cấu hội đồng để lựa chọn thành viên hội đồng, sẽ có nhiều thành phần tham gia, không nhất thiết chỉ có cá nhân ngành giáo dục. Viết sách xong thì hội đồng mới làm việc.

 

Nhà báo Kiều Oanh:Một vấn đề hiện đang gây tranh cãi trong dư luận là dự kiến đưa ra 2 bộ sách giáo khoa cho hai vùng miền gây phản ứng dư luận.Vậy Bộ sẽ chuẩn bị như thế nào để đưa nhiều Bộ sách giáo khoa vào trong thực tế?

 

Ông Đỗ Ngọc Thống: Tôi không rõ họ xuất phát từ đâu nói có 2 bộ sách Nam- Bắc. Tôi nghĩ quan trọng nhất việc biên soạn sách giáo khoa là phải có chương trình. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho việc viết sách giáo khoa không nhất thiết phải chờ có chương trình, vì có nhiều khâu.Ví dụ, một số sách giáo khoa cần một số cần dữ liệu cho sách văn chẳng hạn, một số cơ sở cho bộ sách ấy.Phải có chương trình thì anh mới biên soạn được.Đó là ý thứ nhất nói rõ với công luận.

 

Cho nên, việc chuẩn bị tuỳ các nhà xuất bản, tuỳ các tổ chức cá nhân, họ chuẩn bị thôi. Giống như chúng ta chuẩn bị xây một ngôi nhà, cần có xi măng, sắt thép thì họ chuẩn bị trước cái đó. Khi có bản vẽ, có chương trình rồi mới làm được.

 

Để triển khai nhiều bộ sách, Bộ chỉ đưa ra chủ trương, khuyến khích các tổ chức cá nhân, còn ta làm công tác quản lý, chỉ đưa ra bộ tiêu chí và xúc tiến việc thành lập Hôi đồng. Trên cơ sở đó, các tổ chức cá nhân gửi đến.

 

Nhà báo Kiều Oanh: Dự thảo sách giáo khoa đang trên đường hoàn thiện và năm 2018 học sinh sẽ học chương trình mới.Liệu từ nay đến lúc đó, có khả thi không?

 

Ông Đỗ Ngọc Thống: Đúng là theo quyết định của Quốc hội, năm học 2018-2019, sẽ phải có sách giáo khoa mới lớp 1, lớp 6, lớp 10. Với thời hạn như thế, lẽ ra, năm 2016, chương trình phải xong.Các bước như vậy đã bắt đầu chậm.Tôi nghĩ, với nỗ lực trong năm 2016 phải xong chương trình thì mới có thể kịp.Với 3 lớp đầu cấp như thế, phải tập trung đội ngũ tác giả, chuẩn bị thất tốt mới kịp được.

 

Các nhà xuất bản như Nhà xuất bản Giáo dục cũng đã có chuẩn bị.

 

Nhà báo Kiều Oanh: Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnamnet

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu