Học sinh tiếp cận giáo dục Stem và công nghệ 4.0 qua sách giáo khoa Toán


Bộ sách giáo khoa lớp 1 "Vì sự Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục" với 6 môn học. Ảnh: PV

 

Giáo viên và học sinh bước đầu sẽ được tiếp cận giáo dục Stem và công nghệ 4.0 qua những hình ảnh về robot, máy cộng, trừ số học, máy tính... trong sách giáo khoa lớp 1 "Vì sự Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục".

 

Học sinh sẽ không phải viết vào sách

 

Bộ sách giáo khoa lớp 1 "Vì sự Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục" do Công ty CP Phát hành sách giáo dục – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản gồm 6 môn dành cho học sinh: Tiếng Việt; Toán; Âm nhạc; Mĩ thuật; Đạo đức; Hoạt động trải nghiệm.

 

Đây là bộ sách giáo khoa được giới thiệu sẽ đảm bảo tính vừa sức, tính khả thi, phù hợp với đặc điểm vùng miền, trình độ phát triển của giáo viên và học sinh trong cả nước.

 

Thiết kế của bộ sách cũng sẽ đảm bảo tính khả thi dễ sử dụng với học sinh, giáo viên, hướng tới rèn luyện năng lực tự học ngay từ đầu thông qua hình thức trình bày với các kí hiệu, biểu tượng, cũng như việc mô tả các hoạt động rõ ràng, ngắn gọn, có nội dung gắn với cuộc sống.

 

Giới thiệu về sách giáo khoa môn Toán, PGS.TS Trần Diên Hiển - Chủ biên - chia sẻ khó khăn khi thực hiện yêu cầu không để học sinh ghi vào sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tái sử dụng, những người biên soạn sách gặp nhiều khó khăn.

 

Tuy nhiên, sách giáo khoa Toán trong bộ sách này đã thực hiện thành công khi tìm được giải pháp để các em không viết nhưng vẫn học tập tốt. Vì vậy, nhiều địa phương có thể tái sử dụng cuốn sách cho những năm học sau. 

 

Điều thú vị ở môn học này là cuốn sách có nội dung dạy học được thiết kế theo từng tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khi xây dựng kế hoạch bài học. Các tác giả cũng đều thiết kế những tình huống để học sinh giải quyết vấn đề ngoài xã hội.

 

Sách có những hình ảnh về robot, máy cộng, trừ số học, máy tính, giúp giáo viên và học sinh bước đầu tiếp cận giáo dục Stem và công nghệ 4.0.

 

Tăng hoạt động trải nghiệm

 

Bộ sách "Vì sự Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục" cũng chú trọng đến việc tăng cường sự trải nghiệm của học sinh trong các chủ đề giúp các em tự chủ, tự lực khám phá và chiếm lĩnh kiến thức.

 

Cấu trúc sách và các chủ đề học tập mang tính mở để giáo viên có cơ hội sáng tạo và vận dụng các phương pháp  dạy học tích cực, đồng thời tạo cơ hội giúp giáo viên tích hợp nội dung giáo dục địa phương.

 

Để tạo sự hứng thú trong học tập nên tuần đầu tiên, giai đoạn làm quen, sách Tiếng Việt cho học sinh ghi nhớ đúng hình dạng chữ bằng cách khám phá các đồ vật quanh mình và tạo hình cơ thể. Ví dụ khi học sinh ngồi trước mặt có cái cốc, các em có thể hình dung được chữ C.

 

Sách cũng xây dựng trật tự vần theo nguyên tắc đa từ nghi vấn vào sớm, tạo cơ hội cho học sinh nhanh chóng tự đọc được câu hỏi, bài tập, phát huy khả năng tự học.

 

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Ảnh: PV

 

Đối với sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, mỗi chủ đề bao gồm các loại hình hoạt động: Sinh hoạt dưới cờ, hoạt động trải nghiệm theo chủ đề, sinh hoạt lớp và được phân chia theo từng tuần rất thuận tiện cho các em và giáo viên khi sử dụng.

 

Còn sách giáo khoa Đạo đức là hệ thống bài học tích hợp Giáo dục đạo đức, Giáo dục giá trị sống và Giáo dục kĩ năng sống.

 

TS Phạm Quỳnh – Chủ biên sách giáo khoa Đạo đức 1 thông tin: Sách được thiết kế chuỗi hoạt động hướng dẫn học sinh đi từ cảm xúc đạo đức, phán đoán đạo đức, lựa chọn hành vi đạo đức. Mỗi bài đạo đức bao gồm 4 pha: Khởi động – tạo cảm xúc, Kiến tạo tri thức mới, Luyện tập, Vận dụng.

 

Các bài học đạo đức có chủ đề rất gần gũi và quen thuộc với học sinh như: Quan tâm chăm sóc người thân trong gia đình. Sách cũng hướng dẫn học sinh lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân, hình thành thói quen, nền nếp trong học tập và sinh hoạt. Đặc biệt, cuối mỗi bài đều có mục "Ghi nhớ" để các em rút ra bài học cho bản thân.

 

Theo Laodong.vn

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu