Giáo dục đạo đức không thể ngoài cuộc

GD&TĐ - Với tư cách Chủ biên SGK môn Đạo đức 1 trong CTGDPT mới, TS Phạm Quỳnh – NXB Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ những thông tin, quan điểm xung quanh vấn đề dạy học và chọn SGK môn Đạo đức.


Ảnh minh họa/INT

 

Cần thiết phải có SGK Đạo đức

 

- CT GDPT hiện hành không có SGK môn Đạo đức lớp 1, 2, 3. Vậy, trong CTGDPT 2018, SGK môn Đạo đức 1 sẽ truyền tải những nội dung, yêu cầu gì đến người học?

 

- Nghị quyết 88/2014/QH13 ghi rõ: "Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh", do đó với CTGDPT 2018, môn Đạo đức cần phải có SGK. Điều này tạo sự thuận lợi cho cả giáo viên (GV), học sinh (HS) và phụ huynh trong việc giáo dục đạo đức cho HS.

 

SGK Đạo đức 1 thực sự cần thiết cho cả GV và HS bởi:

 

Trước hết, nó định hướng nội dung, cụ thể hoá yêu cầu cần đạt của chương trình. Thứ hai, dẫn dắt quá trình dạy – học. Ví dụ: SGK môn Đạo đức 1, trong bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" đưa ra quá trình dạy – học một bài học đạo đức bao gồm 4 bước: Khởi động tạo cảm xúc, Kiến tạo tri thức mới, Luyện tập và Vận dụng. Bốn bước này thực chất là sự cụ thể hoá của quy trình hình thành hành vi đạo đức đi từ cảm xúc đạo đức, phán đoán đạo đức, lựa chọn đạo đức/động cơ đạo đức và hành động đạo đức trong mỗi con người.

 

Cảm xúc đạo đức là một loại trí tuệ - trí tuệ cảm xúc (EQ), phán đoán đạo đức là nhận thức lý tính, phán xét các hành vi nào là có đạo đức và hành vi nào không có đạo đức, từ đó đưa ra sự lựa chọn theo hành vi nào. Hành động đạo đức là kết quả của các bước trên và cũng là bước để vận dụng hiểu biết về đạo đức vào cuộc sống. Nếu GV hiểu rõ quy trình này, việc dạy – học đạo đức sẽ đi đúng vào tâm lý nhận thức của HS.

 

Thứ ba, SGK có nhiều tình huống đã được chọn lọc, vừa mang tính điển hình, vừa mang tính định hướng hành vi đạo đức cho HS, GV không mất công phải đi lựa chọn, tìm kiếm. GV có thể sử dụng như một tài liệu tham khảo căn bản để biên soạn giáo án của mình. HS có thể sử dụng như những bài học mẫu để từ đó vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học tập, rèn luyện vào thực tiễn đạo đức của mình.

 

- Ông có những lưu ý gì đối với đội ngũ GV dạy học môn Đạo đức 1 theo CTGDPT mới?

 

- CT môn Đạo đức lớp 1 có hai mạch nội dung chính: Giá trị đạo đức, kỹ năng sống. Điều này cũng khác với CTGDPT 2006, tập trung vào giáo dục giá trị đạo đức, ít nội dung định hướng giáo dục kỹ năng sống.

 

CT và SGK mới định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Đạo đức là môn học có ưu thế trong việc giáo dục các phẩm chất cho người học. SGK Đạo đức có nhiệm vụ hỗ trợ GV và HS hình thành năng lực, phẩm chất đó.

 

Ở đây, cần hiểu năng lực đạo đức là khả năng huy động kiến thức, kỹ năng và giá trị để hành xử có đạo đức trong một tình huống, một sự kiện cụ thể. Có nghĩa là GV phải tổ chức hoạt động dạy học thế nào để HS thực hiện được những hành vi theo chuẩn mực đạo đức trong những tình huống, sự kiện đạo đức cụ thể, chứ không dừng lại chỉ học thuộc lòng bài học đạo đức.

 

HS tiểu học được học 35 tiết Đạo đức/năm, thời lượng này tương đương với Chương trình hiện hành. Do đó, SGK Đạo đức 1 theo CTGDPT 2018 phải thể hiện đầy đủ hai mạch nội dung: Giá trị đạo đức và kỹ năng sống.

 

Đổi mới dạy học môn học "làm người"

 

- Đối với HS vừa bước vào lớp 1, học kiến thức và kĩ năng cần hơn hay đạo đức?

 

- Đối với HS lớp 1, cùng với các môn học khác, môn Đạo đức góp phần trang bị cho các em HS kiến thức, kĩ năng để học tập, làm chủ bản thân, bảo vệ bản thân, chung sống với người khác. HS lớp 1 khi bước vào môi trường học tập mới có nhiều điều bỡ ngỡ: Về môi trường học tập, bạn bè, thầy cô, cách học... Những điều này đòi hỏi các em cần có những kiến thức, kỹ năng để thích nghi với môi trường học tập mới, bạn bè mới thầy cô mới và kiến thức mới. SGK Đạo đức lớp 1 đã thể hiện rõ những yêu cầu này.

 

Dạy học Đạo đức cho HS luôn là một trong ba trụ cột quan trọng trong mục tiêu giáo dục từ trước đến nay, đó là giáo dục về Chân, Thiện, Mỹ. Thiện là đối tượng của của Đạo đức học. Cho dù xã hội phát triển như thế nào đi nữa việc giáo dục đạo đức vẫn luôn cần thiết. Xã hội có hai công cụ quan trọng để điều chỉnh hành vi của con người đó là pháp luật và đạo đức. Trong đó, pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa.

 

Việc của các nhà giáo dục là làm thế nào để học sinh tự giác thực hiện các hành vi đạo đức. Với HS tiểu học, các em cần được giáo dục để phân biệt được và có hành vi, ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội. CTGDPT 2018 yêu cầu HS không những cần biết về những giá trị đạo đức, mà còn phải thực hiện được những hành động đạo đức cụ thể đó.

 

- Theo nhìn nhận của ông, việc dạy học môn Đạo đức hiện nay còn bộc lộ những hạn chế gì? Điều đó cần được đội ngũ GV rút kinh nghiệm ra sao trong vấn đề chọn SGK Đạo đức để dạy học?

 

- Dạy học môn Đạo đức hiện nay tồn tại một số vấn đề.

 

Trước hết, việc khai thác kinh nghiệm, tác động đến cảm xúc, thúc đẩy động cơ học tập của HS, giúp HS tự nhận biết và hành động theo các chuẩn mực hành vi chưa được chú trọng nhiều.

 

Cùng đó, các tình huống đạo đức đưa ra cho HS giải quyết thường thiếu tính thực tiễn. Do đó, khi gặp trường hợp tương tự trong cuộc sống HS chưa có kĩ năng giải quyết vấn đề phù hợp. Ví dụ: Chúng ta vẫn dạy HS: Nhặt được của rơi, trả người đánh mất, đức tính thật thà. Tuy nhiên, giữa bài học trên lớp và thực tế rất khác nhau.

 

Tình huống cụ thể: Khi trẻ ra đường, nhặt được một tờ 5 nghìn đồng, lúc đó trẻ sẽ xử lý tình huống này thế nào? Nếu tìm một chú công an để trả thì khó cho cả trẻ và chú công an. Tìm chú công an ở đâu? Chú công an sẽ nhận và trả người làm rơi thế nào?

 

Thứ ba, việc rèn luyện các kĩ năng đạo đức chủ yếu dừng lại ở trên lớp, chưa có sự tương tác tốt giữa gia đình và nhà trường.

 

 

Theo giaoducthoidai.vn


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu